Tạo dựng chỗ đứng ổn định trên thị trường

Hoàng Trang| 14/10/2022 07:27

(HNM) - Thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2019 đến nay, huyện Quốc Oai đã hỗ trợ hàng chục chủ thể xây dựng được 110 sản phẩm OCOP. Hiện các sản phẩm này đã phát huy hiệu quả, tạo dựng được chỗ đứng ổn định trên thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

Kiểm tra chất lượng xúc xích tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai).  Ảnh: Hoàng Sơn

Huyện Quốc Oai có tổng diện tích đất nông nghiệp là 9.720ha, được chia làm 3 vùng là ven sông Đáy, vàn cao, bán sơn địa; phù hợp để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, huyện đã quy hoạch, phát triển được các vùng sản xuất như: Vùng trồng cây ăn quả 1.220ha, vùng nuôi trồng thủy sản 1.328ha, vùng chăn nuôi hơn 100ha... Ngoài ra, huyện Quốc Oai có 101 làng nghề, trong đó có 17 làng nghề truyền thống đang phát triển ổn định. Đây là tiềm năng lớn để huyện Quốc Oai phát triển Chương trình OCOP.

Thực tế, sau 4 năm triển khai chương trình, đến nay, huyện Quốc Oai đã phát triển được 110 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và ngày càng mở rộng kênh tiêu thụ trên thị trường, như: Thịt lợn sinh học, trứng gà an toàn (xã Cấn Hữu); miến dong làng So (xã Cộng Hòa và Tân Hòa); gà đồi (xã Đông Yên); tranh tứ quý, hoành phi câu đối, bàn thờ ô sa, ngai thờ, cuốn thư (xã Tân Phú)...

Là đơn vị có 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường cho biết, từ năm 2020 đến nay, sản phẩm thịt lợn sạch của Hợp tác xã được “gắn sao” nên đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố ký hợp đồng thu mua sản phẩm. Nhờ đó, sản lượng thịt lợn sạch và sản phẩm chế biến từ thịt lợn như: Xúc xích, giò, chả của Hợp tác xã tiêu thụ trên thị trường tăng trung bình 10-12 tấn/năm; doanh thu tăng 15%/năm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, có được kết quả này, huyện đã tổ chức cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đi tham quan học tập và hướng dẫn quy trình xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm. Đồng thời, trong quá trình triển khai, các chủ thể được huyện hỗ trợ kinh phí thiết kế bao bì, logo cho sản phẩm; đăng ký tem truy xuất nguồn gốc...

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, làng nghề cho người dân, trong năm 2022, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; lựa chọn 3 địa điểm tại thị trấn Quốc Oai, xã Sài Sơn và xã Hòa Thạch để các chủ thể giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, huyện Quốc Oai chọn 3 chủ thể có sản phẩm OCOP tiêu biểu tham gia hội thảo "Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội"; 2 chủ thể tham gia Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố Hà Nội. Qua đó, giúp các chủ thể có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP ra các tỉnh, thành phố và hướng tới xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2023-2025, huyện tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng đặt mục tiêu mỗi năm có thêm 30 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao để phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng chỗ đứng ổn định trên thị trường