Điểm sáng trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm

Xuân Lộc| 11/11/2020 07:04

(HNM) - Trong phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, quận Cầu Giấy đã tổ chức và triển khai nhiều mô hình hay, hiệu quả trong quản lý an toàn thực phẩm. Nhờ đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực. Với những kết quả đã đạt được, quận Cầu Giấy vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với UBND quận Cầu Giấy kiểm tra an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 tại một quán cà phê trên phố Duy Tân - tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Ảnh: Thu Trang

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn quận Cầu Giấy phát triển rất nhanh, mô hình kinh tế thay đổi, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, nhu cầu sử dụng thực phẩm cũng tăng nhanh và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Cùng với sự đa dạng các mặt hàng thực phẩm, số lượng các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng ngày càng nhiều, đặc biệt là siêu thị vừa và nhỏ; dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... Từ 3.265 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong năm 2016, đến năm 2020 đã tăng lên 4.655 cơ sở.

Thực tế trên đòi hỏi công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tăng cường. Ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết, hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành an toàn thực phẩm của quận đều tăng cường triển khai kiểm tra 3 đợt cao điểm và các đợt kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành định kỳ theo tuần hoặc kiểm tra đột xuất, như kiểm tra an toàn thực phẩm trà sữa, cháo dinh dưỡng, trà chanh; bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập thể, tiệc cưới… Nhờ sự vào cuộc tích cực, trong 5 năm qua (trong giai đoạn 2016-2020), quận đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm lên đến hơn 12 tỷ đồng.

Cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm, thời gian qua, quận Cầu Giấy đã tích cực tổ chức và triển khai nhiều mô hình hay trong quản lý an toàn thực phẩm. Tính đến năm 2020, trên địa bàn quận đã xây dựng và duy trì 11 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, trong đó có 3 tuyến phố cấp thành phố: Duy Tân, Trần Vỹ, Vũ Phạm Hàm và 8 tuyến phố cấp quận tại các phường: Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Trung Hòa, Trung Kính… Ngoài ra, quận đã triển khai đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”, qua đó đã cấp biển nhận diện cho 82/82 cơ sở kinh doanh trái cây (đạt tỷ lệ 100%). Mặt khác, UBND quận đã tổ chức gắn biển nhận diện 7 cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh đủ điều kiện tại chợ Đồng Xa. Đây là mô hình điểm nhằm quản lý tốt công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong kinh doanh tại các chợ truyền thống…

Dù vậy, theo bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận còn gặp khó khăn như nhân sự thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm tuyến cơ sở thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt ở cấp phường. Đơn cử như cán bộ chuyên trách về lĩnh vực nông nghiệp, công thương trên địa bàn các phường thiếu, phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều lĩnh vực hoặc thay đổi liên tục, do đó, công tác triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm chưa cao…

Huy động sự tham gia của toàn xã hội

Đánh giá về những kết quả mà quận Cầu Giấy đạt được, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, những năm gần đây, quận Cầu Giấy đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong công tác thực thi các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, quận cũng đã quyết liệt, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, ngành phối hợp chặt chẽ cùng với các phường thực hiện quản lý an toàn thực phẩm thông qua việc kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo như chỉ thị, quyết định và các kế hoạch, văn bản đôn đốc. Quận cũng tổ chức tốt các đợt cao điểm, chuyên đề, mô hình mới về kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm. Từ những kết quả đạt được đã tạo ra những chuyển biến mới, rõ nét trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận, được Trung ương, thành phố ghi nhận và đánh giá cao.

Để tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, ông Trần Văn Chung cho rằng, quận cần tiếp tục tổ chức và phối hợp tốt giữa các ngành liên quan trong quá trình kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm để tránh chồng chéo nhưng không bỏ sót, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật. Cùng với đó, quận cần huy động sự tham gia của toàn xã hội, trong đó tăng cường vai trò của người dân và tổ chức xã hội trong công tác giám sát, phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; xây dựng thêm nhiều mô hình về an toàn thực phẩm, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm của nhiều đơn vị khác; từ đó, từng bước thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như khuyến cáo tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và mọi người dân tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng. Mặt khác, quận cần tiếp tục thông tin nhanh và kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng cơ sở sản xuất cũng như loại thực phẩm không bảo đảm an toàn để người dân được biết và chủ động phòng ngừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm